Câu chuyện về nỗi mất mát mà sinh viên Trần Thị Huyền Trang, sinh viên năm thứ 6 Trường ĐH Y Thái Nguyên phải chịu đựng đưa lại nhiều xúc động cho người chứng kiến. Huyền Trang từng trải qua khủng hoảng khi chứng kiến nỗi đau bệnh tật và sự ra đi của mẹ. Rồi một ngày, Trang cũng phải chứng kiến nỗi đau khủng khiếp khi ba em cũng bị bệnh và qua đời. Để tiếp tục sống, Trang phải chuyển về ở với bác. Em từng suy sụp nhưng rồi cố gắng thực hiện lời trăn trối của mẹ trước khi qua đời là trở thành bác sĩ.
"Thời gian mẹ mất, tôi suy sụp và khóc rất nhiều. Tôi cũng trở nên ích kỷ. Tôi nghĩ mẹ mất, còn bố thì bỗng hóa điên dại, vì có khi bố từng cầm dao đòi giết hai chị em. Nhưng tôi lại khóc cạn nước mắt thêm một lần nữa, khi chứng kiến bố mình đứng trước gương và nói rằng: "Bố cũng bị bệnh như mẹ rồi". Căn bệnh quái ác đó đã cướp đi bố mẹ của tôi. Lúc đó, tôi không biết cầu cứu ai. Nhiều lúc tôi thèm sự quan tâm của người thân. Tôi cứ sợ rằng mình sẽ không được đến trường nữa vì phải đi làm nuôi em. Tôi bơ vơ và nghĩ rằng mình không thể thực hiện ước mơ của mẹ. Tôi tự ti, sợ người ta cười hoàn cảnh gia đình"- Trang chia sẻ.
Trang đã tự tạo cho mình vỏ ốc và chỉ biết khóc. Thế nhưng khi khóc xong, Trang ra khỏi vỏ ốc của mình, tự tìm về tình thương của họ hàng thân thuộc. "Các bác đã lớn tuổi nên cũng không còn quan tâm nhiều nữa, tôi lại chủ động gọi điện cho các bác, để tìm về những người thân của mình"- Trang nói.
Trang vươn lên trở thành sinh viên xuất sắc 6 năm liền của Trường ĐH Y Thái Nguyên. Hiện nay, mơ ước của Trang là phấn đấu để trở thành bác sĩ nội trú và trở về quê hương phục vụ bà con nơi đây.
Những "Khát vọng sống" (Ảnh: Phùng Huy)
Còn sinh viên Đinh Văn Thịnh, sinh năm 1994, quê Nam Định đã vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti khi mang trong mình căn bệnh dị tật xương bẩm sinh để đến trường. Đến trường, Thịnh lại phải đối diện với lời trêu chọc của bạn bè. Thế nhưng Thịnh đã không chùn bước, hiện nay Thịnh đang là sinh viên tại khoa Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Giờ đây, mỗi ngày đến trường Thịnh đều được sự giúp đỡ hết sức của bạn bè.
"Một năm nay tôi chưa được về nhà và rất nhớ gia đình. Bố cũng không có điều kiện vào thăm tôi, nhưng mỗi lần bố gọi điện tôi vẫn nói rằng mình vẫn ổn. Tôi nói ổn để học, để thành tài bởi vì còn nhìn, nghe, thấy và có thể học được kiến thức”- Thịnh chia sẻ.
Thịnh cũng nói rằng “Tôi khiếm khuyết nhưng tôi đã được hơn nhiều người rồi. Cuộc sống không cho mình một cơ thể hoàn hảo nhưng một tương lai hoàn hảo là do mình quyết định. Tôi tự hào vì được là chính mình”.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM cho rằng, không một trang giấy nào có thể nói hết một nhân vật. Một đời người và những khát khao, nghị lực vươn lên như một ngọn lửa cứ tiếp nối nhau tạo thành một khát vọng sống cho đời.
Theo bà Mỹ, "Những nhân vật Khát vọng sốngđược sinh ra với biết bao nỗi đau, nhưng họ đã nỗ lực từng ngày để vượt qua tất cả, sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Không chỉ vậy, họ cũng chính là người đã truyền lửa khát vọng cho mỗi chúng ta. Giá trị sống là hướng đến tình người, hướng đến sự sẻ chia trong cuộc sống”.
Lê Huyền
">
Nữ sinh 6 năm xuất sắc trường y: Tôi từng sợ người ta cười hoàn cảnh của mình
Sự việc được phát tán trên mạng xã hội khi một diễn dàn chia sẻ tâm sự của một nữ sinh:“Tớ là một học sinh lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, và tớ vừa bị đoạt mất ước mơ của chính bản thân mình. Đầu tháng 1 vừa rồi trường mình đã xảy ra tai nạn ở trong phòng thí nghiệm, do sự thiếu trách nhiệm của cô giáo được uỷ thác trông bọn tớ (đã vắng mặt không lí do) nên 1 số bạn nam lớp tớ đã nghịch dụng cụ thí nghiệm. Cụ thể nghịch gì thì tớ không biết vì tớ chỉ là người qua đường và đã xảy ra 1 vụ nổ mà theo mọi người kể lại là cái đèn cồn bị nổ. Tớ bị bỏng hết từ mặt đến bụng - cấp độ 3, nó ăn sâu vào từng thớ thịt của tớ, đau đớn thế nào thì chắc các cậu biết rồi đấy”.
Theo nữ sinh này thì những học sinh có liên quan không phải chịu bất kỳ một hình thức kỉ luật gì, trong khi nhà trường còn có hành vi che giấu sự việc, và điều đó không công bằng với em.
“Kể từ bây giờ, khắp người tớ sẽ là những mảng da nhăn lại co lại sần sùi lồi lõm mà công nghệ cũng khó cứu được, đau đớn 1 tháng qua từng khiến tớ muốn từ bỏ tất cả. Tay phải tớ co gân không làm được chuyện gì ngay cả viết, tớ không thi nổi đại học nữa rồi, công sức 1 năm rưỡi ròng rã qua đổ xuống sông xuống bể hết rồi… Tớ mong những người đọc được điều này có thể đứng về phía tớ - 1 con người không có tiếng nói gì cả, hết lần này đến lần khác kêu gào trong vô vọng” -nữ sinh viết.
Qua tìm hiểu của VietNamNet, vụ việc xảy ra ngày 5/1/2017 tại phòng thực hành Hóa học của Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Nữ sinh bị bỏng nặng là D.A, hiện là học sinh lớp 12A2.
Hiện tại, sức khỏe của D.A đã khá hơn nhưng tâm lý vẫn chưa thực sự ổn định.
Được biết, sự việc xảy ra khi giáo viên không có mặt tại phòng và học sinh lớp 12 A2 cũng đã học xong tiết thực hành Hóa.
Phòng thí nghiệm nơi diễn ra sự việc (Ảnh: Thanh Hùng)
Sáng ngày 7/2, trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng nhà trường xác nhận có sự việc xảy ra tại trường.
Sự việc được nhà trường báo cáo như sau: “Vào cuối giờ thực hành Hóa ngày 5/1, bài số 5 - “Thực hành Kim loại kiềm, kiềm thổ tại phòng thực hành Hóa - Sinh, sau khi thực hành xong học sinh tiến hành dọn dẹp, có 2 học sinh nam nghịch đốt mẩu giấy Phenolphtalein cho vào một chiếc cốc khô, bên trong không đựng gì. Học sinh Nguyễn Đăng Vũ đã cầm lọ đựng cồn (mặc dù cán bộ thực hành cất ra chỗ khác), bên trong còn khoảng 50ml và đổ vào cốc đó nên bị bắt lửa cháy vào chai nhựa, làm nổ chai nhựa dẫn tới 3 học sinh đứng gần đó bị bỏng, gồm các em Nguyễn Đăng Vũ, Lê Nguyên Thế, Đinh D.A, lớp 12A2. Lúc xảy ra sự việc không có giáo viên ở trong phòng học.
Nhà trường và cán bộ y tế đã sơ cứu và đưa 3 học sinh trên vào cấp cứu ở khoa bỏng của bệnh viện Xanh Pôn. Hai học sinh Nguyễn Đăng Vũ và Lê Nguyên Thế đã bình phục và đi học bình thường, còn học sinh Đinh D.A đã ra viện ngày 9/1 và điều trị tại nhà”.
Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng
Theo bà Loan, ban giám hiệu nhà trường, đại diện ban phụ huynh, các thầy cô giáo đã đến thăm hỏi và động viên học sinh.
Sau khi D.A đi học, nhà trường sẽ sắp xếp giáo viên bộ môn dạy kèm để đảm bảo cho em không bị mất kiến thức và có thể dự thi THPT quốc gia sắp tới. Quá trình D.A nghỉ, lớp đã cắt cử người chép hộ bài cho em.
Bà Loan cũng cho biết nhà trường đã báo cáo Sở về sự việc ngay sau đó.
Tuy nhiên, từ ngày diễn ra sự việc (5/1) đến nay đã gần 1 tháng, trường này vẫn chưa đưa ra hình thức xử lý kỷ luật với những cá nhân có liên quan.
Thậm chí, trong các biên bản báo cáo, không hề nhắc đến việc cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh - người phụ trách tiết học có trách nhiệm bao quát lớp học đã không có mặt trong suốt giờ học của các em học sinh.
Và câu hỏi đặt ra là nếu người gặp tai nạn là em D.A không đăng tải những tâm sự của mình và được chia sẻ trên mạng xã hội thì trường có quy trách nhiệm rõ trong vụ việc hay không?
Lọ đựng cồn vốn để tiếp tế cho các đèn cồn trong phòng thí nghiệm luôn được để trong ngăn bàn được học sinh lấy ra nghịch
Về các vấn đề này, bà Loan lý giải: “Quy trình xử lý kỷ luật là từng cá nhân viết bản tường trình, sau đó mời các bên có liên quan đến rồi mới thành lập hội đồng kỷ luật. Trong các cuộc họp liên tịch chúng tôi cũng đã có báo cáo”.
Bà Loan nói thêm: “Bất cứ việc gì, trong vòng 2 tháng, nhà trường sẽ đưa ra hướng giải quyết cuối cùng. Nhà trường vẫn đang tiến hành thu thập các thông tin, hoàn thiện biên bản, hồ sơ để tiến hành kỷ luật các các nhân có liên quan, gồm học sinh vô ý, cô giáo đứng giờ học và có thể là người đứng đầu nhà trường”.
Bà Loan cho biết, nhà trường chậm trễ trong việc họp đưa ra hình thức kỷ luật còn với lý do là “đợi em D.A bình phục đến trường”.
“Nguyên tắc kỷ luật là em D.A phải đến trường. Bởi khi xét kỷ luật phải có em D.A, phải có phụ huynh học sinh và các bên, chứ không thể đưa ra hình thức kỷ luật khi có bên liên quan vắng mặt được” - bà Loan nói.
Do đó, hơn một tháng diễn ra sự việc trường này vẫn chưa đưa ra được quyết định kỷ luật.
VietNamNetsẽ tiếp tục thông tin về sự việc này với những lời chia sẻ của cô giáo chịu trách nhiệm giờ học Nguyễn Thị Mai Anh.
Thanh Hùng
">
Một nữ sinh bị bỏng nặng sau giờ thực hành thí nghiệm ở trường