Người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường… Ảnh minh hoạ
Hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi Việt Nam đang rất thiếu trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, việc thiếu các bệnh viện lão khoa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Khi người cao tuổi bị ốm, họ thường không chỉ bị một bệnh, mà có tới 5-6 bệnh kèm theo. Hiện tại, bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa đều thiếu. Thậm chí, thiếu cả người hỗ trợ, chăm sóc điều trị, nên việc chăm sóc người cao tuổi vẫn chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh đó, tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thiếu các dịch vụ quản lý bệnh mạn tính và chăm sóc dài hạn cho đối tượng này, là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ phát hiện và điều trị bệnh ở mức rất thấp. Số liệu toàn quốc cho thấy trong số người cao tuổi đang quản lý điều trị thì chỉ có 9% bệnh nhân tăng huyết áp và dưới 6% bệnh nhân đái tháo đường là được cấp thuốc tại trạm y tế xã, còn lại hầu hết phải đi lên cơ sở y tế tuyến trên để khám và lĩnh thuốc định kỳ.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi từ tuyến y tế cơ sở
Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm phù hợp với giai đoạn dân số già và gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi.
Các Chương trình, Chiến lược, kế hoạch, hành động quốc gia về dân số, dinh dưỡng, phòng chống bệnh không lây nhiễm được ban hành trong thời gian gần đây đều nhấn mạnh vai trò của “phòng” hơn là “chống” lão hoá.
Theo các khuyến nghị từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực đều đặn với cường độ hợp lý được coi là phương pháp tiếp cận thực tế, hiệu quả để chống viêm và làm chậm quá trình lão hóa. Công thức cho “lão hóa khỏe mạnh” phải liên quan đến cả chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động về thể chất.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam trong đó đặt mục tiêu 100% trạm y tế các xã/phường triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng vào năm 2025.
Để thực hiện những mục tiêu này, Chương trình đề ra các giải pháp về quản lý chỉ đạo, thực thi chính sách và phối hợp liên ngành.
Chương trình cũng nêu rõ, ngành Y tế cần truyền thông hướng dẫn người dân phòng chống yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh cũng như hướng dẫn tự tuân thủ điều trị cho người dân;
Đồng thời xây dựng và cung cấp các hướng dẫn chuyên môn, tăng cường đào tạo tập huấn về chăm sóc người cao tuổi kết hợp quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở và cho người chăm sóc; Triển khai chăm sóc dài hạn lồng ghép quản lý bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng;
Xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản về bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và khả năng của ngân sách nhà nước; Thực hiện quản lý sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, bảo đảm mỗi người cao tuổi được định kỳ kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đường máu và các chỉ số cơ bản khác.
M. Thanh
Chấn thương khi đá bóng, nam thanh niên phải cắt bỏ tinh hoàn
- Nghĩ tinh hoàn chỉ bị sưng đau do chấn thương, chàng trai không đi viện ngay. Sau đó, tình trạng diễn biến xấu, bệnh nhân buộc phải cắt bỏ một bên tinh hoàn.
" alt="Người Việt mất 10 năm ốm đau, bệnh tật khi về già"/>