Giao hơn 1.429 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 487 tỷ đồngCụ thể, về bố trí dự toán chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND năm 2024 cho Sở Y tế, ngày 12/12/2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 5758/QĐ-UBND về giao dự toán thu chi ngân sách năm 2024. Trong đó, giao kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho Sở Y tế số tiền 1.429.094 triệu đồng (hơn 1.429 tỷ đồng).
Tính đến ngày 6/11, Sở Y tế đã ban hành các quyết định giao dự toán nguồn cải cách tiền lương cho các đơn vị trực thuộc với tổng số tiền hơn 487 tỷ đồng.
Trong các số tiền đã được Sở Y tế TPHCM giao dự toán, các đơn vị sự nghiệp nhóm 3, nhóm 4 nhận được hơn 172 tỷ đồng, còn các đơn vị sự nghiệp nhóm 1, nhóm 2 đã được giao dự toán hơn 315 tỷ đồng.
Số kinh phí còn lại là hơn 941 tỷ đồng.
Bệnh nhân chờ khám bệnh, điều trị tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).
Sở Tài chính TPHCM khẳng định, cơ quan này đã nhập dự toán trên hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp) cho các đơn vị y tế số tiền hơn 487 tỷ đồng. Tất cả đều căn cứ theo những quyết định giao dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của Sở Y tế.
"Sau khi Sở Y tế TPHCM gửi các quyết định giao dự toán đối với nguồn cải cách tiền lương còn lại, Sở Tài chính TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp nhập dự toán chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 08 trên hệ thống TABMIS cho các bệnh viện", đại diện Sở Tài chính TPHCM thông tin.
Từ ngày 1/11, phóng viên Dân trí cũng đã gửi các câu hỏi đến Sở Y tế TPHCM, để tìm hiểu nguyên nhân một số bệnh viện chưa nhận đủ và chưa được giải ngân tiền Nghị quyết 08 quý nào trong năm, cũng như giải pháp để sớm hỗ trợ khó khăn cho các đơn vị. Ngày 7/11, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, sẽ ra thông cáo báo chí về sự việc này.
Như đã thông tin, thời gian qua chúng tôi nhận được phản ánh của nhân viên y tế tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, cho biết bị chậm, thậm chí chưa nhận được khoản tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của Hội đồng nhân dân TPHCM trong năm nay. Điều này khiến cuộc sống của họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, có người phải đi vay mượn tiền để cầm cự.
Phản hồi phóng viên, lãnh đạo một số cơ sở y tế như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện TP Thủ Đức, thừa nhận từ đầu năm, các đơn vị chưa được giải ngân tiền Nghị quyết 08.
Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Có đơn vị chưa rõ nguyên nhân vì sao, có nơi cho rằng do quy định số phần trăm ngân sách được giữ lại quỹ cải cách tiền lương và các quỹ khác có sự thay đổi, nên cơ quan chức năng vẫn đang trong thời gian xác định số tiền cụ thể bệnh viện được giữ lại là bao nhiêu, trước khi tiến hành giải ngân.
Một số nơi đã tự cân đối nguồn quỹ nội bộ để ứng trước một phần chi phí cho viên chức, người lao động, nhưng chỉ là giải pháp tình thế.
Hầu hết các đơn vị được khảo sát chia sẻ, sau ngày 1/7, khi lương cơ sở tăng, họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo thu nhập cho nhân viên y tế, vì kéo theo nhiều khoản khác cũng tăng. Trong khi đó, giá khám chữa bệnh hiện tại chưa được tính đúng, tính đủ.
"Mong Thành phố sớm hỗ trợ ngân sách để chi tối đa hệ số thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 cho nhân viên y tế, để đời sống nhân viên y tế được cải thiện", lãnh đạo một bệnh viện bày tỏ.
Bệnh viện ở TPHCM được giữ lại bao nhiêu phần trăm nguồn thu? Ngày 27/9, Hội đồng nhân dân TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐND quy định về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương, đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số thu lớn do TPHCM quản lý.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết 18 là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, thực hiện chi trả chính sách theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của Hội đồng nhân dân TPHCM về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Về tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương, đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư:
Trích 35% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác; Trích 40% số thu được để lại theo quy định với các khoản thu khác ngoài các khoản trích 35% nêu trên.
Nhân viên y tế tại bệnh viện công lập ở TPHCM đang làm việc (Ảnh: BV).
Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường xuyên:
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên từ 120% trở lên: trích 16% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 120% và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn lại: trích 10% số thu được để lại theo quy định từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dịch vụ y tế khác và thu khác.
Ngân sách nhà nước bố trí phần chênh lệch thiếu để chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù từ nguồn cải cách tiền lương còn dư, sau khi các đơn vị đã thực hiện trích lập nguồn cải cách tiền lương theo điểm a, b nêu trên cộng với các nguồn cải cách tiền lương khác theo quy định.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương theo lộ trình, các nội dung chi phải sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định pháp luật hiện hành và chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND trong suốt thời gian thực hiện cơ chế đặc thù, thì đơn vị được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại, để tạo nguồn cải cách tiền lương theo nhu cầu của đơn vị.
Các đơn vị xác định phạm vi trích lập nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu được theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại thông tư hướng dẫn liên quan.
">