Sẵn sàng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPTĐây là dự định của không ít trường trước những thay đổi có thể xảy ra.
Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo cho biết, dự kiến hôm nay, 22/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ họp Hội đồng tuyển sinh để có những phương án điều chỉnh phù hợp cho việc tuyển sinh đại học năm 2020.
Tuy nhiên, ông cho rằng, các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.
“Kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề”, ông nói.
Do đó, theo ông Triệu, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra như phương án của Bộ GD-ĐT dự kiến, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ không tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ giữ ổn định như những năm trước.
Theo dự kiến trước đây, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) vẫn tuyển sinh theo 4 phương thức cũ đã công bố. Trong đó, việc xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước chiếm tới 40% chỉ tiêu và 60% chỉ tiêu còn lại dành cho 3 phương thức khác.
Tuy nhiên, trước những thông tin mới về thi cử mà Bộ GD-ĐT đưa ra ngày hôm qua (21/4), ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông nhà trường, cho hay khi có thông báo chính thức kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và có quy chế tuyển sinh năm 2020, trường sẽ thay đổi đề án tuyển sinh. Việc thay đổi phương thức tuyển sinh này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới học sinh, thí sinh.
![{keywords}](https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2020/04/21/17/truong-dh-bach-khoa-tp-hcm-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh.jpg) |
Nhiều trường đại học dự kiến điều chỉnh phương án tuyến sinh |
“Cụ thể, trường sẽ điều chỉnh và dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển và đặc biệt là xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đồng thời sẽ giảm tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” - ông Quán cho hay.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng sẽ điều chỉnh phương án khi kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp. Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh của trường, năm nay trường không kịp kết hợp thi chung với các trường khác và nếu muốn kết hợp phải từ một đến vài năm nữa. Vì vậy, phương án tuyển sinh của trường sẽ thay đổi là lấy 10% chỉ tiêu từ kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, 40% chỉ tiêu từ xét tuyển theo học bạ lớp 12 năm học 2019-2020 và 50% chỉ tiêu lấy từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trước mắt, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn sẽ giữ năm 5 phương thức xét tuyển là xét theo kết quả thi THPT quốc gia 2020 từ 50% - 72% tổng chỉ tiêu; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 15% đến 25% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT khoảng 3% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển theo kết quả kỳ đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 10% đến 50% tổng chỉ tiêu; xét tuyển thí sinh là người nước ngoài hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông nước ngoài khoảng 1% tổng chỉ tiêu.
Tuy nhiên do kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp, thì trường sẽ điều chỉnh sử dụng kết quả thi THPT kết hợp với điểm học bạ.
Theo ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp nhưng rõ ràng vẫn có sự đánh giá kết quả học tập của học sinh và vẫn là một cơ sở tốt để tuyển sinh vào ĐH. Một số trường có nhu cầu tuyển học sinh xuất sắc có thể gặp chút khó khăn, bởi khi mục tiêu thi THPT thay đổi thì độ phân loại học sinh cũng ảnh hưởng theo. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn đang tính toán để sẵn sàng các phương án tốt nhất.
Vẫn mong có "3 chung rút gọn" hoặc thi theo nhóm trường
Một số trường đại học khác lại chia sẻ dự kiến những phương án khác để tuyển sinh, khi họ cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không phù hợp với mục tiêu tuyển sinh của nhà trường.
Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết hiện tại nhà trường cũng đã xây dựng các phương án tuyển sinh theo các kịch bản khác nhau cho kỳ tuyển sinh đại học năm nay và đang phải tính toán kỹ cẩn trọng. Mục tiêu quan trọng nhất nhà trường đặt ra không phải để tuyển đủ chỉ tiêu mà là tuyển được những thí sinh có chất lượng nhất.
![{keywords}](https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2019/07/09/14/anh-pham-hai-3-5.jpg) |
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (Ảnh: Phạm Hải) |
Ông kỳ vọng, trong trường hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giao cho các tỉnh chủ trì, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu tổ chức kỳ thi “3 chung rút gọn” để các trường đại học tuyển sinh. Theo đó, “rút gọn” được hiểu theo hướng sẽ không tổ chức các môn thi theo khối thi A, B, C, D... mà có thể chỉ tổ chức 1 đợt với số môn thi rút gọn xuống còn 5-6 môn.
Các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để xác định các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mình. Cùng với đó, vẫn phải duy trì các “nhóm xét tuyển” như những năm trước để “lọc ảo”.
Một giải pháp khác cho bối cảnh hiện nay được nhà trường đề xuất là các trường có cùng khối ngành đào tạo hoặc cùng tổ hợp xét tuyển của những năm trước có thể hợp tác với nhau để tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung. “Nếu như vậy, Bộ nên có chủ trương chính thức thì các trường mới có thể quyết định được”.
Trường ĐH Thương mại không tính tới việc sẽ tổ chức một kỳ thi riêng vì như vậy sẽ có nhiều hệ lụy nếu lựa chọn hướng đi này như chi phí lớn, mức độ rủi ro về kỹ thuật hay tính bảo mật lại cao…
“Do đó, rất có thể nhà trường sẽ lấy kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cùng với đó sẽ xác định một số tiêu chí phụ để bổ sung cho xét tuyển”, ông Sơn cho hay.
Gần một tuần trước, Trường ĐH Ngoại thương đã thông qua phương án, nếu kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển như năm ngoài. Trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Trường ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết nhà trường đang chờ văn bản chính thức từ Bộ GD-ĐT để cân nhắc việc có tổ chức kỳ thi riêng hay không.
Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kỳ thi THPT năm 2020 nếu được tổ chức chỉ để xét tốt nghiệp, trường sẽ tập trung điều chỉnh chỉ tiêu cho 3 phương thức xét tuyển mà trường đã công bố. Cụ thể là xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá năng lực do trường từ tổ chức và xét tuyển điểm học bạ. Đặc biệt, sẽ tăng thêm chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá năng lực của trường và xét tuyển học bạ.
“Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ đợi thông tin chính thức từ Bộ về môn thi và cấu trúc đề thi để quyết định xem có sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, nhưng có nhiều khả năng sẽ không sử dụng” - bà Dung nói.
Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhận định tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cho thấy rõ mục tiêu. Do đó, khả năng các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển đại học sẽ rất thấp vì bản chất kỳ thi này khác với kỳ thi THPT quốc gia trước đây.
Những năm trước, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chủ yếu xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia và theo ông Lý, trước sự thay đổi của năm nay, hội đồng tuyển sinh nhà trường chuẩn bị họp để đưa ra phương án cụ thể cho kỳ tuyển sinh.
Trong khi đó, ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết chiều thứ 6 ngày 24/4, Hội đồng hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tổ chức một kỳ thi chung.
Theo ông Xuân, mong muốn của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là các trường khối ngành sức khỏe sẽ tổ chức một kỳ thi chung. Việc thi này được tổ chức ở nhiều cụm khác nhau và các trường lấy điểm để xét tuyển giống như trước đây từng làm với các kỳ thi do Bộ GD-ĐT chủ trì. Thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng trước, sau đó tham gia dự thi và xét tuyển.
Còn trong trường hợp kỳ thi chung không được tổ chức, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch hiện đang làm phần mềm tích hợp để tính phương án tuyển sinh.
Trao đổi với VietNamNet, ông Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe, cho hay trong cuộc họp, các phương án tuyển sinh sẽ được đưa ra để thảo luận và bàn bạc.
Theo ông Văn, yêu cầu tuyển sinh các trường khối ngành sức khỏe có đặc thù so với các ngành khác. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là tự chủ trong tuyển sinh, do vậy, các trường sẽ triển khai trong khi thời gian không nhiều nhưng phải đảm bảo đầu vào có thể chấp nhận được.
Về tổ chức một kỳ thi chung, theo ông Văn đây là một trong những phương án mà Hội đồng sẽ thảo luận. Tuy nhiên, điều khó khăn với các trường nếu thực hiện là thời gian chuẩn bị sẽ rất gấp gáp.
Ngày 22/4, Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQG Hà Nội đã họp bàn và công bố chính thức về phương án tuyển sinh đại học năm 2020.
Theo đó, phương án gồm: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GD-ĐT và ĐHQG Hà Nội; Xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Bài thi của ĐHQG Hà Nội kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm: Toán (90 phút), Bài viết luận (60 phút), Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút).
Thời gian dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7, trước kỳ thi THPT.
Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy theo thang điểm 100. Các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN sử dụng kết quả 3 hoặc 4 hợp phần thi để xét tuyển vào các ngành đào tạo.
ĐH này chỉ tổ chức thi trên địa bàn Hà Nội và phối hợp với các trường đại học công tác ra đề thi, chấm thi và xét tuyển đại học chính quy.
Lê Huyền - Thúy Nga
![Năm 2020 dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia](https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2019/07/09/12/anh-le-anh-dung-3-21.jpg?w=145&h=101)
Năm 2020 dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Thay vào đó, sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này diễn ra trong 1,5 ngày; kết quả được lấy để xét tốt nghiệp và có thể dùng cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
" alt="Nhiều ĐH điều chỉnh phương án tuyển sinh khi THPT chỉ để xét tốt nghiệp"/>
Nhiều ĐH điều chỉnh phương án tuyển sinh khi THPT chỉ để xét tốt nghiệp
Nguyễn Minh Phương (lớp 12A2, Trường THPT Ngô Quyền) cho hay em được biết năm nay kỳ thi THPT quốc gia sẽ không diễn ra mà thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích xét tốt nghiệp.Phương chia sẻ do mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp nên em bớt áp lực đi một chút. Nhưng đối với em, mức độ quan trọng của kỳ thi không giảm bởi không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp THPT mà có thể các trường đại học vẫn lấy kết quả của nó để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
“Em vẫn coi trọng nhưng vì tính chất của kỳ thi nên em không cảm thấy quá áp lực về mục tiêu như kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Bởi bên cạnh kỳ thi này, một số trường đại học đã công bố tổ chức các kỳ thi riêng khác để tuyển sinh năm nay. Do đó cơ hội mở ra nhiều hơn”.
![{keywords}](https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2018/05/22/10/bo-truong-giao-duc-chi-dao-thu-hoi-de-an-doi-moi-thi-thpt-quoc-gia-tieu-ton-749-ti-dong.jpg) |
Sau hồi nháo nhào vì xáo trộn, nhiều học sinh đang thay đổi chiến thuật ôn thi để sẵn sàng cho mọi tình huống. |
Phương cho hay, đầu năm học này, em vẫn định hướng ôn thi theo ban D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh) khi chưa có thông tin kỳ thi THPT quốc gia bị hủy bỏ.
Nhưng với phương án mới của Bộ GD-ĐT đưa ra khi tổ chức thay thế bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phương lo tổ hợp D07 có thể sẽ “biến” môn Hóa thành bài thi Khoa học Tự nhiên. “Nếu vậy em sẽ phải ôn thi thêm môn Vật lý và Sinh học, trong khi khoảng thời gian còn lại đến lúc thi khá ngắn. Do vậy nếu với trường không tổ chức thi riêng, em tính sẽ chuyển sang ôn, thi và dự tuyển bằng tổ hợp D01. Như vậy thay vì phải ôn chuyên sâu cả 2 môn Vật lý và Sinh học em sẽ chỉ cần tập trung vào môn Văn và tập trung hết vào tổ hợp D01.
Điều khiến Minh Phương thở phào bớt đi phần nào nỗi lo là mới đây, Trường ĐH Ngoại thương – một trong những nguyện vọng ưu tiên hàng đầu của em đã công bố phương án tuyển sinh có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức. Theo đó, trường có tổ chức các bài thi Toán, Văn và Hóa riêng để cho các thí sinh dự tuyển theo tổ hợp D07 không phải thi thêm 2 môn Vật lý và Sinh học.
Cũng chính vì vậy, Phương cho hay em xác định không cần ôn tập quá nhiều cho bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mà ở kỳ thi này, em sẽ tập trung nhiều hơn cho 3 môn Toán, Văn, Anh – có thể phục vụ cho xét tuyển khối D01.
Tuy nhiên, Phương cho hay vẫn sẽ tập trung ôn và làm bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên tốt nhất có thể để có thể xét tuyển vào các nguyện vọng của các trường khác nếu cần.
“Việc ôn tập của em sẽ không bớt đi nhưng áp lực với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ hơn”.
Phương cho hay, lo lắng là tâm trạng của không chỉ em mà với nhiều bạn trong lớp. “Việc công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT với các bài thi tổng hợp 3 môn chỉ tính chung một đầu điểm mà không phân ra từng môn đã tạo ra một áp lực rất lớn với chúng em. Bởi trước nay chúng em vẫn nghĩ và ôn theo các tổ hợp như truyền thống. Không phải học lệch nhưng rõ ràng có sự đầu tư nhất định cho môn học phù hợp cho tổ hợp xét tuyển mình hướng đến. Giờ đây, chúng em sẽ phải cố gắng các môn khác nữa trong bài thi tổng hợp để có mức điểm đồng đều, tránh chuyện bị kéo điểm xuống bởi những môn không được đầu tư”.
Phương cho hay, các bạn lớp em cũng đang đau đầu xác định lại xem tổ hợp mình nên thi là như thế nào bởi còn phụ thuộc vào số lượng môn, từ đó có hướng ôn tập. Song song đó, còn phải ngóng phương án tuyển sinh riêng của từng trường đại học công bố.
Để “một công đi thi”, ngoài Ngoại thương, Phương cũng tính sẽ đăng ký nguyện vọng vào ĐHQG Hà Nội bởi 2 trường này cùng tổ chức và công nhận kết quả 1 kỳ thi chung.
Không thuận lợi như Phương, vốn trước đây xác định dự tuyển ĐH bằng tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa), những ngày này, Đinh Văn Ngọc (học sinh lớp 12 tại Nghệ An) đang cuống cuồng ôn luyện môn Sinh bởi một thời gian chỉ học môn này kiểu cầm chừng vượt tốt nghiệp. Ngọc lo lắng vì tính đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong khi mới đây trường này công bố xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Bộ GD-ĐT cho hay bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên sẽ chỉ tính chung 1 đầu điểm và không chia ra điểm thành phần từng môn như trước kia. Như vậy có thể trường sẽ lấy cả điểm bài thi Khoa học tự nhiên để xét. Để điểm chung không bị kéo xuống, em tính phải học thêm môn Sinh nhiều hơn”.
Ngọc cho hay, không chỉ em mà nhiều bạn trong lớp cũng đang phải “thay đổi chiến thuật” trong việc ôn thi các môn.
Đặt mục tiêu vào Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Duy Hưng (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bồn chồn bởi giờ đây vào cảnh “không biết đường nào mà lần” bởi các trường y chưa công bố phương án xét tuyển.
Hưng lo bởi từ khi vào lớp 10 em đã đầu tư học nhiều về Toán, Hóa và Sinh, nhưng không mấy tự tin với môn Vật lý. Trước đây các trường sử dụng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh ở kỳ thi THPT quốc gia để xét thì nay sẽ ra sao khi kỳ thi tốt nghiệp THPT gộp 3 môn (Hóa, Lý, Sinh) vào 1 đầu điểm.
“Như vậy nếu giờ em học kém môn Lý thì sẽ bị kéo điểm chung, dù có thể Toán và Hóa của em rất tốt. Giả sử các trường khối y dược lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì em sẽ rất thiệt thòi”, Hưng nói.
Nhưng để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra, ngoài việc ôn 3 môn Toán, Hóa, Sinh như bình thường, hiện Hưng đã phải sắp xếp lại thời gian ôn thêm cho môn Vật lý. Công thức học thêm “Toán 3 buổi, Sinh 4 buổi và Hóa 2 buổi” mỗi tuần của Hưng vừa được bổ sung bằng việc đăng ký mấy khóa học trên mạng về những kiến thức cơ bản của môn Vật lý. “Nếu trong trường hợp xấu nhất, các trường y dùng kết quả bài thi Khoa học tự nhiên thì em còn có một số điểm môn Vật lý nhất định để kéo điểm chung. Giờ phải dốc sức học bởi trước đây em tính toán chỉ cần qua mức điểm liệt là được”.
Hiện, Vật lý và Sinh học được Hưng chia đều ra học mỗi tối. Mỗi môn một tiếng rưỡi, sau đó mới đến Toán và Hóa học – 2 môn học tốt hơn và tạm coi thứ yếu.
“Giờ đây phải ôn thêm môn Vật lý trong thời gian chưa có phương án tuyển sinh từ các trường nên đành chấp nhận cắt giảm thời gian của 3 môn kia”, Hưng chia sẻ về khó khăn về mặt thời gian và sức lực.
Theo Hưng, trong nhóm chát của lớp mấy ngày này cũng nháo nhào cả lên vì chuyện tổ hợp xét tuyển. “Em thì chỉ phải học thêm môn Vật lý, nhưng một số bạn trước nay học theo tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) thì nay đang lo phải học thêm cả môn Hóa và Sinh bởi trong cùng một bài thi tổng hợp với môn Lý”.
Hưng cũng bày tỏ mong muốn các trường y dược cũng như các trường đại học khác sớm công bố phương án tuyển sinh để các học sinh như em sớm định hình được kế hoạch và chủ động trong ôn tập.
Thanh Hùng
![Thí sinh sững sờ, Bộ GD-ĐT hứa sớm công bố đề thi minh hoạ mới](https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2020/04/23/22/a.jpg?w=145&h=101)
Thí sinh sững sờ, Bộ GD-ĐT hứa sớm công bố đề thi minh hoạ mới
Ngoài việc sớm công bố đề thi minh hoạ, sẽ tổ chức thêm đội thanh tra của UBND các tỉnh cho kỳ thi THPT tới đây.
" alt="Sau xáo trộn thi tốt nghiệp THPT, học sinh đổi chiến thuật ôn thi"/>
Sau xáo trộn thi tốt nghiệp THPT, học sinh đổi chiến thuật ôn thi