- Có một thế giới thật khác: sống động, ấn tượng nhưng gần gũi, trong sáng. Đó là lăng kính nhìn cuộc sống của Nem, một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. “Mỗi trẻ em là một hạt giống chứa đựng tiềm năng thiên bẩm, được nảy nở nhờ tình thương yêu”.
Đó là một trong những thông điệp của triển lãm “Tiểu thế giới – Câu chuyện của Nem” – tập hợp những bức vẽ được thể hiện qua bàn tay, con mắt của họa sỹ nhí.
Nem – cậu bé nói chuyện với “bút và giấy”
Không phải là một họa sỹ chuyên nghiệp hay những người trưởng thành đam mê hội họa nào, chủ nhân của bức tranh sống động nhiều chất liệu màu này là một cậu bé mắc chứng tự kỷ và Turner – Nem, tên thật là Hà Đình Chí.
Chị Nguyễn Lan Phương, mẹ bé cho biết dù đã 9 tuổi nhưng khả năng giao tiếp bằng lời nói của Nem chỉ như một đứa trẻ 2 tuổi. Vẽ với em là một phương tiện bộc lộ cảm xúc hiệu quả và đặc biệt đối với những đứa trẻ mắc chứng tự kỉ khác.
Theo chia sẻ của chị, Nem không có nhu cầu giao tiếp trực tiếp bằng lời nói vì khả năng ngôn ngữ. Hiện tại, khả năng nói của em có tiến bộ nhưng không nhiều. Thay vì nói chuyện với các bạn khác, Nem “nói chuyện với bút và giấy”.
|
Niềm vui vỡ òa của Nem khi được trò chuyện cùng giấy và cây cọ |
Tiểu thế giới – Một lăng kính “rất khác” về cuộc sống
Triển lãm “Tiểu thế giới” là câu chuyện của Nem bằng những đồ vật, hình ảnh, tranh vẽ với thông điệp “Mỗi trẻ em – Một tiểu thế giới”.
Với cây cọ và bảng màu, bé Nem đã thế hiện góc nhìn cuộc sống của bản thân. Gia đình hạnh phúc, những vật dụng hàng ngày,… cũng đều đi vào tranh vẽ của Nem một cách tự nhiên, đầy ngẫu hứng nhưng lại vô cùng sống động, trong sáng và hồn nhiên.
|
Từng thành viên trong gia đình cha, mẹ, Nem và em gái của Nem đều trở thành nhân vật sống động của các bức tranh. |
Triển lãm “Câu chuyện của Nem” giới thiệu một số những tác phẩm do Nem sáng tác. Nem đã gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân và giao tiếp qua lời nói, cử chỉ, hành động. Tuy nhiên, năng khiếu hội họa của em nảy mầm từ rất sớm đã cho em khả năng để khắc họa lại thế giới đầy màu sắc, sáng tạo đa dạng của mình bằng một trí tưởng tượng rất riêng và một cách thể hiện ngẫu hứng qua các bức tranh đầy cảm xúc. Cho dù phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, nhưng thế giới của Nem luôn có những mảng màu hi vọng và ước mơ.
|
Vườn chuối hiện lên sinh động qua giấy và cây cọ. |
|
Đầm sen hiện lên với màu sắc rực rỡ “rất riêng” |
|
Bể cá vô cùng “tinh nghịch” và hồn nhiên. |
|
Đêm Giáng sinh lung linh của Nem. |
Đề tài của những bức vẽ là những câu chuyện nhỏ về tình yêu thương của gia đình, bạn bè và cộng đồng dành cho Nem, hội họa thực sự đã trở thành phương tiện để Nem tư duy và giao tiếp với thế giới bên ngoài.
“Tiểu thế giới của Nem nếu người ngoài nhìn vào sẽ cảm giác là một thế giới khép kín, nhưng nếu được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và những người thân thì thế giới đó sẽ được bung ra, sẽ tốt hơn rất nhiều. Nem tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ hội họa, đó là một điều rất đáng mừng”, anh Hà Đình Long, bố của bé Nem chia sẻ.
“Mỗi trẻ em là một hạt giống chứa đựng tiềm năng, được nảy nở nhờ tình thương yêu, câu hỏi là điều kiện nào để hỗ trợ những hạt giống được nảy mầm xanh tốt” là một trong những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn của Triển lãm.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều sự kì thị, phân biệt đối với người khuyết tật, cũng như nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật, về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục, đặc biệt đối với trẻ mắc hội chứng tự kỉ.
“Câu chuyện của Nem” chúng tôi kì vọng sẽ tạo nên nhiều thay đổi về nhận thức và quan trọng hơn hết, là sẽ mang đến cho khuyết tật cơ hội để sống và thể hiện bằng tiếng nói của chính mình”, Đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Chị Nguyễn Hằng Nga, giáo viên dạy môn Vẽ của Nem từ lớp 1 xúc động: “Nếu nói là cảm xúc của Nem qua bức tranh, cảm giác rất yêu màu của Nem, cảm nhận như tâm hồn qua đôi tay truyền qua cây bút, làm nên những bức tranh, vẽ to hay vẽ nhỏ, vẽ nét hay vẽ màu đều cảm thấy vô cùng đáng yêu”.
Thế giới Nem thể hiện trong bức tranh được hình thành bằng trí tưởng tượng phong phú của em. “Nem nghĩ ra một câu chuyện nào đó thì đó là câu chuyện và Nem rất đam mê câu chuyện đó. Nem nhìn hình như thế nào thì vẽ nên bức tranh như thế. Bạn muốn gì là có thể thể hiện được luôn”, chị Nga chia sẻ.
Những người thầy, người bạn, chuyên gia tâm lý tuyệt vời
Sinh ra cùng hội chứng tự kỷ, Nem không thể vui chơi, đến trường, học tập bình thường như trăm ngàn cô bé, cậu bé khác. Nhưng với triết lý giáo dục nhấn mạnh vào phát triển khả năng, gia đình của Nem đã cùng với cậu bé xây dựng một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nhất, được thể hiện và phát triển những khả năng đặc biệt của riêng mình, không để khuyết tật làm mất đi niềm vui cuộc sống.
Mẹ của Nem (chị Nguyễn Lan Phương) là một thành viên của Câu lạc bộ Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội, một người đã tìm tòi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quí báu trong hành trình đồng hành với Nem. Những kinh nghiệm nổi bật của mẹ Nem là về lĩnh vực RDI và can thiệp giáo dục hòa nhập. Mẹ Nem cũng đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ cho phụ huynh mới, với nhiều chủ đề khác liên quan đến chứng tự kỷ. Tổ chức triển lãm này, mẹ Nem hy vọng có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ huynh thêm tích cực, lạc quan trên con đường chăm sóc giáo dục con tự kỷ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kết nối với con, bước vào "tiểu thế giới" của con và đưa con hòa nhập cùng thế giới rộng lớn.
|
Mẹ và Nem cùng học Yoga. |
Chị Lan Phương chia sẻ về việc khuyến khích cho con tiếp cận với hội họa: “Cũng chỉ dám nói đây là tiềm năng của bé Nem, là sự tích cóp từng chút một như góp gió thành bão. Con thích vẽ và mình khuyến khích niềm thích của con, miễn con cảm thấy vui là được”.
Bộ sưu tập Nem Online cũng được hình thành từ ý tưởng của mẹ Nem, khi đưa một số bức tranh qua mạng, giống như một nhật kí được cop nhặt hàng ngày của cậu bé Nem.
“May mắn nhất trong quá trình trị liệu cho Nem là gặp gỡ các cha mẹ khác, để chỉ đường cho nhau. Đôi khi sự phương pháp của các chuyên gia là “ép trẻ” phát triển theo một hướng nhất định. Họ đã quên mất một điều là mỗi trẻ em phải tiếp cận theo một hướng riêng. Chính cha mẹ của chúng mới là những người thầy, những người bạn tốt nhất của chúng. Bố mẹ là những chuyên gia tâm lý, hiểu con cái nhất, luôn quan tâm những nhu cầu, những ước muốn của con”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Lan Phương, mẹ Nem.
Với bản thân chị, khó khăn ban đầu là muốn chơi với trẻ nhưng không biết cách chơi với chúng như thế nào.
Theo chị, đa số mọi người đều nhận thức sai lệch về hội chứng tự kỉ. Bản chất tự kỉ là bẩm sinh, nhưng hầu hết mọi người nhắc đến tự kỉ thì đổ lỗi ngay là do cha mẹ không quan tâm đến trẻ hay do tác động của ngoại cảnh, môi trường sống.
Chính vì vậy, chị mong triển lãm này giúp mọi người hiểu hơn về thế giới của những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỉ, khi sự hiểu được đầy đủ hơn thì “cơ hội gâng gũi tiếp xúc với thế giới của các bạn sẽ cao hơn”.
Với chị, phương pháp tiếp cận là quan trọng. chị đã nghiên cứu và áp dụng nhiều phương pháp trị liệu cho Nem như ABA, Y sinh, Handle, Ngôn ngữ trị liệu,… và đặc biệt là phương pháp can thiệp phát triển quan hệ xã hội (RDI) và can thiệp giáo dục hòa nhập.
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng tuần lễ phát động chiến dịch toàn cầu hành động vì giáo dục cho mọi người với thông điệp chính: “Người khuyết tật có quyền hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng “Học tập cùng nhau – học hỏi lẫn nhau”; “Suy nghĩ tích cực, hành động thiết thực”, và “Mỗi trẻ em – Một tiểu thế giới”.
Qua triển lãm này, các quý vị sẽ được biết thêm về một phần cuộc sống thực của một trẻ tự kỉ, để khám phá những tiềm năng mà các em có thể có qua “Chương trình giáo dục hòa nhập”. Điều quan trọng không chỉ nằm ở đứa trẻ mà ở việc tạo ra môi trường và cơ hội để đứa trẻ đó phát triển.
Theo anh Hà Đình Long, bố của bé Nem, hội họa với Nem chính là một kênh thông tin. Mỗi bức tranh của Nem rất đặc biệt bởi gần như bức vẽ nào giống nhau và thậm chí là vẽ theo cảm xúc, khi Nem vui vẻ thì cách thể hiện bức tranh sẽ khác.
“Bố cục của những bức vẽ rất ngẫu hứng. Người lớn vẽ thì sợ người ta chê xấu, còn Nem vẽ thì đặc biệt không bao giờ sợ ai chê xấu cả, bởi khi vẽ xong thì không bao giờ em nhìn lại bài vẽ của mình. Mình cảm nhận thấy sự đặc biệt của Nem là vẽ rất vô tư, “không sợ búa rìu dư luận”, anh Long hài hước kể về con mình, “Đối với một trẻ em bình thường, đó đã là một thế giới đặc biệt, còn đặc biệt đối với trẻ mắc hội chứng tự kỉ, cụ thể là Nem thì đó là một thế giới vô cùng đặc biệt”.
|
Bố Nem đang hướng dẫn người tham quan triển lãm sử dụng bộ đàm để nghe được giọng nói của Nem tại Triển lãm “Tiểu thế giới”. |
|
“Bức tranh Nem được cô giáo cho “đánh trận lớn”, hôm nay chưa xong, ngày mai có thể vẽ tiếp”. |
“Bước đầu tiên vẽ thì rất vất vả, bạn không hiểu được hiệu lệnh của mình, yêu cầu phải cực kì kiên trì. Nem bao giờ cũng thích vẽ nét hơn là vẽ màu. Khi phải vẽ màu thì Nem cảm thấy rất khó chịu và bức xúc. Nên mình phải tìm một cách nào đó để yêu thích màu và vẽ màu”, chị Nguyễn Hằng Nga, giáo viên dạy môn Vẽ của Nem chia sẻ về quá trình học Vẽ của em.
|
Nỗ lực của cô giáo với Nem để làm nên những sản phẩm tinh thần: Bức ảnh được trưng bày tại triển lãm. |
Không muốn đặt áp đặt suy nghĩ của mình vào trí tưởng tượng của Nem, cô giáo đã đưa vào những bài vẽ tự do cho Nem tự phát triển. Mục đích của chị mong muốn Nem vẫn có thể tự phát triển tình cảm của mình và tư duy là hai. Thứ ba là cảm xúc Nem có được với thế giới. Chị muốn mình chỉ là người hướng dẫn bé yêu thích, thích vẽ màu, thích bố cục và cách nhìn bố cục như thế nào cho tốt.
Bà Phạm Thị Yến, Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỉ Việt Nam: “Triển lãm có ý nghĩa nói lên thành quả của một em bé tự kỉ, tưởng như em đã không còn khả năng gì đối với xã hội. Triển lãm còn là nguồn động viên các gia đình có trẻ mắc hội chứng tự kỉ: Bất cứ khi nào cũng tìm được đường sáng để đi. Đây là những đứa trẻ cần được giúp đỡ, nếu không được giúp đỡ một cách kịp thời thì sẽ rất có thể các bé sẽ không thể phát triển được nữa”.
Cũng theo bà, triển lãm còn có ý nghĩa thu hút các nhà hảo tâm, những nhà chuyên môn, những họa sỹ tạo môi trường đất tốt để những mầm cây có thể phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, triển lãm còn mang tính giáo dục, giúp xã hội thay đổi cách nhìn đối với trẻ tự kỉ.
Đỗ Dung
">