|
Như ICTnews đã đưa tin, vào lúc 10h00 sáng qua, ngày 13/5/2018, GS.TSKH Phan Đình Diệu, sinh năm 1936 tại Can Lộc, Hà Tĩnh, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện CNTT) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT (1993 - 1997) đã trút hơi thở cuối cùng tại Viện Quân đội 354, Hà Nội.
Lễ viếng GS Phan Đình Diệu được tổ chức vào sáng nay, ngày 18/5/2018 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Bài viết về GS.TSKH Phan Đình Diệu được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường tại địa chỉ: uet.vnu.edu.vn, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi ông gắn bó, quay trở lại với công tác giảng dạy sau khi nghỉ công tác tại Ban chỉ đạo chương trình quốc gia về CNTT từ năm 1997, nêu rõ: GS Phan Đình Diệu được ghi nhận là một trong những người có công lao đầu tiên xây dựng và phát triển ngành Tin học (CNTT) tại Việt Nam. Trong cuộc đời mình, ông cũng nổi tiếng với sự chính trực và có những đóng góp tâm huyết về chính sách phát triển khoa học giáo dục nước nhà.
|
|
Cũng trong bài viết nêu trên, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, ông học trường ĐH Sư phạm Khoa học với một lý do đơn giản là để có học bổng vì kinh tế khó khăn. Trong thời gian này, ngoài việc miệt mài học tập, ông cũng đã tự học tiếng Anh và tiếng Pháp, và rất say mê tìm hiểu về triết học. Sau đó, ông đã tìm thấy sự say mê với ngành Toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường giảng dạy.
Khi ở tuổi 30 vào năm 1967, ông đã hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô ngành Toán học tính toán và điều khiển học, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva. Sau đó, ông về nước và bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam.Các công trình khoa học đột phá của ông trong giai đoạn này được in thành một cuốn sách của tạp chí khoa học uy tín Steklov của Nga, và năm 1974 được Hiệp hội Toán học Mỹ dịch và xuất bản bằng tiếng Anh thành cuốn sách dài 228 trang với tên gọi “Some Questions in Constructive Functional Analysis”.
Năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Toán học tính toán của Ủy ban Khoa học Nhà nước vào thời điểm cả nước chỉ mới có một dàn máy tính đuợc đặt tại đây, đòi hỏi phải được nghiên cứu để sử dụng và đào tạo cán bộ. Ông đã tìm hiểu và học tập để xây dựng những tập thể cán bộ không những biết sử dụng máy tính, mà còn có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính và tin học.
Khi đó, nhận định về tình hình thế giới, cho rằng thông tin, tri thức sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và coi đây là cuộc cách mạng lớn thay đổi nhân loại, ông đã đề xuất dự án thành lập một Viện nghiên cứu lấy tên là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển. Năm 1977, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển chính thức được thành lập, và ông là Viện trưởng đầu tiên. Viện là tiền thân của Viện Tin học và Viện CNTT hiện nay. Dưới sự lãnh đạo tâm huyết và quyết đoán của ông và với sự quyết tâm và làm việc hăng say các cán bộ của Viên, năm 1981, chiếc máy vi tinh đầu tiên sản xuất tại Việt Nam và Đông Á. Ông cũng đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu hợp tác và phát triển các đề tài mật mã với Ban cơ yếu Trung ương.
">