Trước thông tin gia tăng về số ca lây nhiễm virus corona thời gian gần đây, chị Nguyễn Thủy - cư dân một khu chung cư đóng trên địa bàn quận Hà Đông, (Hà Nội) vô cùng lo lắng. Mặc dù ban quản lý toà nhà nơi đây tích cực trong việc tuyên truyền để tập thể cư dân nâng cao ý thức phòng bệnh nhưng nhiều người dân, nhất là chị em nội trợ vẫn không tránh khỏi sợ hãi.Chị Thủy cho hay, dù ban quản lý toà nhà đã dán bảng cảnh báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại khu vực thông tin, thang máy, sảnh ra vào của chung cư. Các nội dung được khuyến cáo như: Vệ sinh tay thường xuyên; uống đủ nước; không nói chuyện trong thang máy, đeo khẩu trang thường xuyên, mỗi người đứng cách nhau 2m…thế nhưng, một số cá nhân ở chung cư này vẫn thiếu ý thức không chấp hành nghiêm túc. Do vậy, để tự phòng dịch, chị đã nhắc nhở gia đình mình hạn chế ra ngoài và tránh tiếp xúc với người xung quanh.
|
Chị Nguyễn Thủy – cư dân một khu chung cư đóng trên địa bàn quận Hà Đông, (Hà Nội) cho biết, chị chỉ đi thang máy khi không quá đông người. |
“Việc hạn chế tiếp xúc với những người khác chúng tôi cũng thực hiện từ đợt dịch lần trước. Tuy nhiên, do đợt này dịch bệnh này rất phức tạp nên tôi thường xuyên hạn chế ra ngoài. Nếu có việc phải ra ngoài, tôi cũng không đi những thang máy quá đông và tuyệt đối không đứng khoảng cách dưới 2m để trao đổi, nói chuyện khi ở trong thang máy”, chị cho biết.
Còn chị Mai Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) lại chọn đi thang bộ để xuống chợ mua thực phẩm thay vì đi tháng máy quá đông trong đợt dịch bệnh covid mới này.
Theo chị Phương, việc đi thang bộ vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tránh được việc lây lan dịch bệnh từ người khác.
“Tôi nghĩ những hộ gia đình nào ở các tầng thấp mà thường xuyên phải ra ngoài thì nên đi thang bộ. Như vậy sẽ hạn chế việc phải tiếp xúc với quá nhiều người. Tôi mong rằng mọi cư dân cũng như chị em cũng cần có trách nhiệm thực hiện việc này để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”, chị Phương nói.
Mua hàng online, trả tiền bằng chuyển khoản
Theo khuyến cáo thói quen sử dụng tiền mặt có thể là nguồn phát tán virus gây bệnh. Do vậy nhiều chị em ở chung cư chuyển sang mua hàng online thay vì đi chợ, trả tiền mặt như trước.
Chị Lan Anh (cư dân chung cư Tây Mỗ, Hà Nội) cho biết, đợt dịch này chị cho con gái đang học ở trường mầm non nghỉ để về quê ở với ông bà nội. Nhà chỉ còn có hai vợ chồng nên nhu cầu thực phẩm cũng không cần nhiều như trước. Chỉ cần lên chợ online, đặt hàng là có đủ thực phẩm ăn trong cả tuần.
“Tôi hạn chế đi chợ, chỉ mua hàng online và đi siêu thị. Tuy nhiên, nếu đi siêu thị tôi sẽ chọn các khung giờ vắng để đi. Còn mua hàng online cũng chỉ mua trong chợ chung cư và chọn hình thức chuyển khoản”, chị Lan Anh nói.
|
Thực phẩm được giao đến tận cửa nhưng khách nhận hàng không phải tiếp xúc với người bán. |
Chị Phương Thảo ở chung cư Văn Phú, Hà Đông cũng cho biết, khi có dịch bệnh bùng phát, Ban quản trị chợ cư dân nơi đây đã yêu cầu mọi người không sử dụng tiền mặt để thanh toán khi mua hàng. Thay vào đó, những người bán hàng cho cư dân sẽ phải cung cấp thông tin số tài khoản để thanh toán, tránh việc tiếp xúc gần dễ lây lan bệnh tật.
“Mua thực phẩm ở trên chợ cư dân chung cư vừa yên tâm, vừa rõ thông tin căn hộ rao bán. Hằng ngày tôi muốn mua gì thì đặt hàng rồi họ sẽ mang đến treo ở cửa. Khi nhận hàng, tôi sẽ chuyển khoản qua ngân hàng. Như vậy, cả người mua và người bán không phải tiếp xúc với nhau”, chị nói.
Dùng gang tay để mở cửa, ấn tháng máy
Trong lúc dịch viêm phổi do virus corona đang diễn biến phức tạp, Một cư dân khu chung cư ở Đống Đa đã chia sẻ một số cách để bảo vệ bản thân.
Theo đó, chị này cho hay, ở chung cư rất nhiều nơi có thể có nhiều vi khuẩn, virus mà mọi người như các nút bấm thang máy, tay nắm cửa, công tắc điện hành lang... do có nhiều người cùng phải sử dụng chung. Vì thế, cư dân này chia sẻ cách bấm thang máy không dùng trực tiếp đầu ngón tay như dùng khớp ngón tay, khuỷu tay để bấm nút thang máy, công tắc điện.
|
Một bà nội trợ dùng bao tay thường xuyên để hạn chế và tránh tiếp xúc với virus. |
Ngoài ra, nếu cần thiết thì đeo găng tay nilon khi phải bấm nút thang máy hay tay nắm cửa ở các nơi công cộng như nhà rác, cửa sảnh chung cư…
Còn với các cửa đẩy thay vì dùng bàn tay đẩy cửa, hãy dùng cánh tay, hông, lưng để đẩy cửa, để hạn chế nhiều nhất việc tiếp xúc bàn tay.
Dùng bồ kết xông nhà diệt khuẩn
Xách một túi bồ kết khô trên tay, chị Hoàng Thủy ở chung cư Cầu Giấy, (Hà Nội) cho hay, số bồ kết này chị vừa đặt mua online về.
|
Đèn xông bồ kết của gia đình chị Hoàng Thủy ở Cầu Giấy, (Hà Nội) |
Chị kể, do từ đợt dịch trước, chị mua bồ kết để xông nhà nên thấy nhà rất thông thoáng và sạch sẽ. Vì vậy, mấy hôm nay chị đặt mua để tiếp tục sử dụng.
“Bồ kết để gội đầu thì sạch và mượt. Còn bồ kết khô thì đốt lên để xông nhà, diệt khuẩn thì tôi cũng không rõ thế nào. Tuy nhiên, thấy các chị em trong khu chung cư làm nên tôi cũng làm theo cho yên tâm”, chị nói.
Nhật Minh
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19 Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19. Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Link tải Bluezone trên Android https://play.google.com/store/apps/details?id=com.mic.bluezone Link tải Bluezone trên iOS https://apps.apple.com/vn/app/bluezone/id1508062685 Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng. |
">