“Tôi lấy trong túi áo của một đồng đội đã hi sinh, bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Đêm đó, chúng tôi hát cho đồng đội nghe, không đàn, không đèn, không giấy, bút…”.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải, người lính trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xúc động nghẹn ngào chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Tổ quốc và cây bút” được Diễn đàn nhà báo trẻ tổ chức sáng 18/3.
|
Những chia sẻ của nhạc sĩ Trương Quý Hải khiến nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhiều lần phải lau nước mắt
|
Những bài hát ra đời trong máu và nước mắt
“Trong một trận đánh ác liệt vào tháng 5/1984 ở Vị Xuyên (Hà Giang), 600 đồng đội của tôi đã hi sinh, gần 1.000 đồng đội bị thương. Chúng tôi, những người còn sống đi chôn xác đồng đội. Bây giờ, ở nghĩa trang Vị Xuyên chủ yếu là liệt sĩ vô danh, bởi trong trận đánh tang thương đó, 10 chiến sĩ thì chỉ khoảng 2 người còn có thể tìm thấy tên tuổi, quê quán.
Bức thư của đồng đội làm tôi nghĩ về mình, tôi cũng có mẹ.
Tôi nghẹn ngào nhớ đến mẹ của mình và nghĩ đến mẹ của đồng đội cũng trạc tuổi tôi - chỉ 18, 20 thôi.
Trong chiến tranh, chúng tôi biết là thư không thể về được đến nhà nhưng vẫn viết và vẫn gửi.
Bức thư của đồng đội tôi chưa kịp hoàn thành…Ngồi bên những nấm mộ tôi mới đắp cho anh em, tôi viết tiếp bức thư cho đồng đội, tôi hát cho anh em nghe. Những người còn sống chúng tôi truyền miệng nhau bức thư ấy và gọi là “Thư gửi mẹ”. Đó là ca khúc “Thư về với mẹ” mà sau này tôi viết.”
Những lời ca và câu chuyện của nhạc sĩ Trương Quý Hải khiến cho khán phòng nghẹn ngào xúc động. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nhiều lần phải lau nước mắt.
Những số phận lặng lẽ
Cũng như “số phận” lặng lẽ của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong những trang sách lịch sử, những người lính biên cương năm xưa trở về với cuộc đời thực cũng lặng lẽ mang trong lòng những ký ức khốc liệt vì không nhiều người Việt Nam hiểu rõ về cuộc chiến tranh này.
“Nếu chúng tôi nói về cuộc chiến này với cha mẹ thì cha mẹ có thể hiểu, nhưng nếu nói với bạn bè, anh em thì mọi người sẽ ít quan tâm. Dần dần, chúng tôi tránh nói về chiến tranh biên giới phía Bắc.”- Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho hay.
Sau khi chiến tranh kết thúc, đơn vị giải thể, các cựu chiến binh có một nỗi buồn chung là không còn đơn vị để về. Thế nhưng, những người lính biên giới đi tìm nhau, người Hà Nội tìm người Hải Dương, rồi Nghệ An, Thanh Hóa…Những người lính biên cương lại lặng lẽ kể cho nhau nghe chuyện chiến đấu năm xưa, mỗi năm đến ngày giỗ trận (12/7) lại cùng nhau đi thăm đồng đội.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xúc động nghẹn ngào gọi những cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo là những cuộc chiến vinh quanh và đau thương, khốc liệt nhưng chỉ sống lặng lẽ trong những vần thơ, câu hát thấm đẫm tinh thần đồng đội của những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ.
Nói về lịch sử, nhạc sĩ - cựu chiến binh cho rằng, dù cuộc chiến tranh biên giới không được đưa vào sách nhưng vẫn có sức sống mạnh mẽ trong trái tim người Việt Nam vì lịch sử vẫn có cách truyền đạt riêng của nó.
Đó là những câu chuyện thì thầm truyền miệng mà người còn sống, thay cho những người đã chết mang câu chuyện đó đi và kể cho nhau nghe.
Giờ học được chờ đợi từ 28 năm qua
Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ, sau 28 năm chờ đợi, những cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương và hải đảo của Tổ quốc lần đầu tiên đã được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức cho học sinh của một ngôi trường dân lập.
Ngày 14/3, đúng vào kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma, trong giờ học Giáo dục công dân, trường THCS Archimedes Academy đã đưa nội dung “Trận hải chiến ở bãi đá Gạc Ma- Quần đảo Trường Sa, Việt Nam” vào giảng dạy cho các em học sinh.
Trong buổi học này, những thông tin khách quan, đầy đủ về nguyên nhân xảy ra trận chiến, con số thương vong, hành động của Việt Nam, Trung Quốc trước, trong và sau cuộc chiến được truyền tải đến các em học sinh một cách đầy đủ. Những mất mát, hi sinh của người lính biển đã khiến các em học sinh xúc động sâu sắc.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng chia sẻ, trước đó, vào cuối năm 2015, trường THPT Marie Cuire đã mời ông giao lưu, chia sẻ với giáo viên và học sinh trong trường về biển đảo. Trường Marie Cuire đã xây dựng hai chiếc cổng lớn, đặt tên là Trường Sa và Hoàng Sa để tưởng nhớ những người con đã hi sinh vì chủ quyền biển đảo.
“Tôi hi vọng rằng, các trường khác của Hà Nội sẽ học tập 2 trường dân lập này trong việc giáo dục tinh thần yêu nước cho các em học sinh khi đưa các bài học, bài thơ về Trường Sa, Hoàng Sa và Gạc Ma, về chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam vào các bài học trên lớp.”- nhà thơ viết trên Facebook cá nhân.
Về lại Vị Xuyên
Đã hơn 30 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc, những người lính biên cương vẫn đi tìm nhau. Mỗi năm vào ngày giỗ trận 12/7, những người lính năm xưa lại về nghĩa trang Vị Xuyên để thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
Cho đến hôm nay, trên những điểm cao xưa kia là mặt trận ác liệt chỉ có một đài hương do các cựu chiến binh chung tay xây dựng để nhân dân cả nước về thắp hương cho các liệt sĩ.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho biết, anh cùng các đồng đội đã quyên góp xây dựng nhà tưởng niệm các liệt sĩ trên cao điểm 468 thuộc huyện Vị Xuyên – Hà Giang.
Những người lính biên cương hi vọng nhà tưởng niệm sẽ là nơi an trú cho linh hồn những liệt sĩ vô danh và gia đình họ được an ủi phần nào. Các cựu chiến binh mong mỏi, các bạn trẻ, tổ chức, cá nhân sẽ ủng hộ và cùng chung tay để xây dựng nhà tưởng niệm.
Chiến tranh biên giới 1979: Nhân chứng và nấm mồ 400 ngườiChiến tranh biên giới 1979: Chiến thuật “biển người” của TQSao lại xem chiến tranh biên giới là nội dung tế nhị?