Nhà sáng lập Microsoft cũng bàn về chất lượng sống của con người ngày nay, chênh lệch giàu nghèo và cần nỗ lực quốc tế trong giải quyết các vấn đề về môi trường."Thật tuyệt vời, tôi có thể nói, trong vòng 28 năm qua, con người đã đạt được sự tiến bộ lớn trong việc giải quyết các vấn đề về y tế và nghèo đói", Bill Gates cho biết trong cuộc phỏng vấn với trang Nikkei.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hợp tác toàn cầu để giải quyết biến đổi khí hậu, trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bill Gates cho rằng công nghệ đã giúp con người kéo dài tuổi thọ, có đời sống văn minh hơn. Tuy nhiên, nỗi lo sợ tự động hóa sẽ cướp mất việc làm của con người vẫn chưa bao giờ giảm.
Công nghệ là thách thức, cũng là giải pháp
"Công nghệ vừa là thách thức, vừa là giải pháp cho chúng ta. Điện khí hóa mọi thứ tất nhiên là điều tuyệt vời, nhưng nó cũng tạo ra các nhà máy than gây ô nhiễm, hạt nhân khiến người ta lo sợ, xe điện cũng chưa được an toàn. Tất cả những công nghệ mới, dù là mạng xã hội hay robot cũng đều có mặt trái khiến ta e dè", ông nói.
Sự quan tâm đó là điều dễ hiểu, nhưng quan trọng hơn hết là làm sao để ứng dụng công nghệ một cách có hiệu quả.
|
Robot được dự đoán sẽ là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng thất nghiệp tại Mỹ. Ảnh: Japantimes. |
"Robot giúp chúng ta tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mà không cần nhiều sức lực từ con người. Công việc không phải là điều duy nhất con người sinh ra để làm. Có thêm nhiều thời gian, con người sẽ tạo thêm nhiều giá trị mới", Bill Gates nhận định.
"Chúng ta đã có các loại thuế về vốn, thuế lao động, những loại thuế này cũng có thể được thay đổi cơ cấu để áp đặt cho robot nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ cho nhóm lao động bị ảnh hưởng"
"Khi tôi nói về thuế robot, chúng ta không nên hiểu đây là loại thuế mới. Thực ra nó là tăng thuế về vốn và giảm thuế lao động, khi chúng ta xem robot như một loại vốn. Nhờ đó xã hội không đẻ ra thêm loại thuế mới, mà chỉ thay đổi cơ cấu thuế hiện tại".
"Khi chúng ta chọn mua một con robot thay vì dùng sức người, hệ thống thuế mới sẽ khiến chúng ta ít nhất cũng phải nghĩ đến con người như một lựa chọn thay thế, thay vì ngược lại như hiện nay", ông nói.
|
Sau khi rời Microsoft, Bill Gates dành phần lớn thời gian cho các hoạt động thiện nguyện. Ảnh: Russophile. |
Nhiều chuyên gia cho rằng cách đưa tin như truyền thông đại chúng hiện nay sẽ khiến dư luận áp đặt thành kiến đối với tự động hóa, dẫn đến các xung đột xã hội. "Do đó, thế hệ trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên truyền thông đại chúng, cũng như những tác động mà nó mang đến", Bill nhận định.
Thế giới đang dần bình đẳng hơn
Bill Gates cũng cho rằng các quỹ từ thiện mà ông hoạt động đang dần mang đến kết quả. Từ năm 1990, số trẻ em chết dưới 5 tuổi mỗi năm là 12 triệu, đến nay con số chỉ còn dưới 6 triệu. Ông cho rằng đây là thành quả có được nhờ sự cải tiến các loại thuốc và hệ thống phụ trợ đi kèm.
Tỷ lệ người nghèo sống dưới mức 1,9 USD mỗi ngày cũng giảm từ 36% xuống còn 9% dân số thế giới. "Chất lượng sống ngày càng được cải thiện, thậm chí khi nói đến những quốc gia nghèo, bất bình đẳng giàu nghèo nhất như Ấn Độ, Trung Quốc trước đây cũng phát triển kinh tế nhanh hơn các nước như Mỹ, Nhật Bản. Thực sự, thế giới ngày nay đã bình đẳng hơn rất nhiều", ông nói.
"Tuy nhiên tỷ lệ nghèo đói tại châu Phi vẫn là vấn đề rất lớn, nó vẫn sẽ tăng đến khoảng 90% đến giữa thế kỷ này. Cách duy nhất để giảm thiểu là thúc đẩy các chính phủ đầu tư hơn vào y tế, giáo dục. Mọi chi phí đều được chúng tôi cắt giảm tối đa, ví dụ như giá thuốc, để mọi người dân đều được hưởng lợi".
|
Tỷ lệ nghèo đói ở châu Phi vẫn sẽ ở mức 90% vào giữa thế kỷ này. Ảnh: Pharmafile. |
Bill Gates nỗ lực mở rộng hoạt động thiện nguyện của mình xuyên quốc gia, nhưng trớ trêu thay các chính sách của chính phủ Mỹ thời ông Donald Trump lại đang chống lại điều này.
"Chúng tôi cảm nhận được bầu không khí toàn cầu hóa đang có chút tiêu cực, cũng như mối quan hệ giữa các quốc gia", Gates cho rằng sự ổn định ở các nước nghèo mang đến lợi ích cho Mỹ, do đó nước này nên tiếp tục đóng vai trò anh cả trong các hoạt động quốc tế.
"Khi bên nhận viện trợ trở nên cứng cỏi, họ sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Hàn Quốc từng là nước nhận viện trợ, Ấn Độ cũng vậy. Còn bây giờ mọi chuyện đã khác", Bill Gates nói.
"Tôi tin rằng có rất nhiều vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu, ngăn chặn bệnh tật sẽ dễ giải quyết hơn khi chúng at chung tay với nhau. Tôi cũng tin rằng cần có nhiều giao dịch thì nền kinh tế toàn cầu mới trở nên bền vững", đồng sáng lập Microsoft nhận định.
Theo Zing
Công nghệ robot tự lái của Zoox sẽ đánh bại 'đế chế' Uber như thế nào?
Công nghệ robot tự hành Zoox có khả năng tự di chuyển, tránh chướng ngại vật trên đường mà không cần sự can thiệp của người ngồi trên ghế lái được dự đoán sẽ là xu hướng trong tương lai gần.
">