Nghiên cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương người bệnh đã phục hồi vừa chính thức được Bộ Y tế thông qua.Tiến sĩ Văn Đình Tráng, Phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - điều phối chính của dự án chia sẻ, sau 2 ngày triển khai, đến hết ngày 5/8, đã có 5 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tình nguyện cho huyết tương.
Trong đó, bác sĩ N.X.T, Khoa Cấp cứu của bệnh viện là trường hợp rất đặc biệt. Nam bác sĩ từng lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, anh cũng là người đầu tiên xin hiến huyết tương để thêm hy vọng giúp đỡ các bệnh nhân nguy kịch.
Tiến sĩ Tráng thông tin, qua các sàng lọc bước đầu, hiện có 2 người đủ điều kiện tham gia hiến, là bác sĩ T. và 1 phụ nữ 39 tuổi.
|
Tiến sĩ Văn Đình Tráng, Phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
Theo quy định, người đủ điều kiện hiến huyết tương là người từng mắc Covid-19, đã khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, xuất viện ít nhất 14 ngày, không còn triệu chứng lâm sàng, tuổi từ 18 đến 65, nặng trên 50 kg với nam và trên 45kg với nữ.
Những người này sẽ được sàng lọc miễn phí các xét nghiệm như HIV, viêm gan B, lao, giang mai,…. trước khi hiến. Sau đó, bác sĩ tiếp tục sàng lọc các yếu tố viêm và các yếu tố chống đông để bảo đảm sản phẩm máu thực sự sạch, an toàn.
Người được điều trị là bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng, tuổi từ 18 đến 75 tuổi, đã được chẩn đoán xác đinh nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR.
Được biết, trong thời gian tới, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ tìm cách liên lạc với những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh từng điều trị tại đây hoặc các cơ sở y tế khác để xin giúp đỡ. Ngoài ra, bệnh viện sẽ tính thêm phương án kết nối qua người quen của bệnh nhân hoặc truyền tải lời kêu gọi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Đường dây nóng 19003228 của bệnh viện cũng luôn túc trực để tiếp nhận, phản hồi khi các trường hợp đã khỏi bệnh chủ động liên lạc để giúp đỡ.
Tiến sĩ Tráng chia sẻ, số huyết tương đầu tiên được hiến tặng sẽ được chuyển ngay vào tâm dịch miền Trung, nơi có rất nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trên thế giới, dùng huyết tương của người hồi phục để ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh gây ra bởi virus không phải là phương pháp mới. Ngay đầu thế kỷ 20, giải pháp này đã được sử dụng trong nhiều dịch bệnh do virus như viêm đa cơ, sởi, cúm và dịch SARS năm 2003.
Hiện nay, phương pháp trên cũng đang được một số nước châu Âu và Trung Quốc áp dụng trong điều trị Covid-19 và bước đầu cho những thành công nhỏ lẻ.
Tiến sĩ Tráng giải thích, về bản chất, liệu pháp này sử dụng kháng thể chống lại một tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị một bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục sẽ ngay lập tức cung cấp kháng thể miễn dịch cho người đang bị bệnh.
Đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn.
“Hiện nay, thế giới chưa có thuốc đặc hiệu để khống chế virus mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng, giảm nhẹ triệu chứng. Huyết thanh thụ động này giúp trung hòa virus có thể xem là “cứu cánh” rất lớn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện tại.
Nếu phương pháp có hiệu quả, cứ 1 lượng bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, chúng ta sẽ hy vọng giúp thêm từng ấy người tiếp tục khỏi”, bác sĩ Tráng phân tích.
|
Trong phòng cách ly bệnh nhân Covid-19 sau khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương |
Phương pháp hiến huyết tương tương tự việc hiến máu, song bác sĩ không sử dụng toàn bộ thành phần máu mà chỉ lấy 600 ml huyết tương được tách lọc ngay trong quá trình hiến.
Số huyết tương này sẽ được bù lại bằng dung dịch huyết thanh sinh lý để đảm bảo sức khỏe cho người hiến. Sau hiến, người bệnh được nghỉ ngơi nhẹ nhàng, có thể ra về luôn và sinh hoạt bình thường.
Tiến sĩ Tráng cho biết thêm, bệnh viện không giới hạn số lượng người đến hiến huyết tương. Việc hiến tặng là hoàn toàn tự nguyện, người cho có thể từ chối hoặc ngừng tham gia hiến tặng khi không còn mong muốn.
Đề tài nghiên cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương người bệnh đã phục hồi do TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đồng chủ trì.
Ngoài ra, dự án còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương...
Nguyễn Liên
Số ca sốt rét trong đoàn về từ Guinea Xích Đạo tăng nhanh, 1 ca tổn thương gan nặng
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phát hiện thêm từ 1-2 ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong đoàn công dân Việt trở về từ Guinea Xích Đạo.
" alt=""/>2 người đầu tiên đủ điều kiện hiến huyết tương điều trị Covid